Nhạc cụ của dân tộ Brâu tại tỉnh Kon tum (Minh Bắc)

Trong cuộc sống, người Brâu thích dùng tiếng hát để biểu lộ cảm xúc. Các bài hát dân ca Brâu mang nhiều nội dung khác nhau thường gắn với các sinh hoạt cộng đồng như Ohđơm (lễ ăn cơm mới), Loong krạ (lễ ăn hỏi), Pri jông (lễ cưới), hoặc Mộ mư (hát kể chuyện)…
 Nhạc cụ của người Brâu có các nhóm nhạc cụ hơi (bhău, lôr, đinh buk), nhạc cụ tự thân vang (chiêng) và nhạc cụ dây (bôồng bôồng, đinh goong pe play, đinh goong sơng play).

Bhău là loại sáo thổi ngang, chi lỗ vòm. Sáo được chế tác từ một ống nứa dài 100cm, hai đầu rỗng và chỉ có một lỗ thổi nằm ở giữa thân sáo. Khi diễn tấu, người thổi điều khiển âm thanh ở một đầu ống bằng cách dùng lòng bàn tay phải bịt mở để tạo những cao độ khác nhau. Các chàng trai và cô gái Brâu thường thổi bhău để tỏ tình với nhau.

Lôr là loại sáo thổi dọc, có nguyên tắc kích âm khá giống với cái tiêu của người Kinh là không có lưỡi gà hoặc dăm. Ở bộ phận thổi, người ta gắn một miếng nứa tạo thành khe hở để lùa hơi. Nhạc cụ này dành cho nam giới sử dụng, dùng hòa tấu cùng các nhạc cụ khác trong các dịp vui của người Brâu.

Đinh buk là nhạc cụ hơi lúa. Nó được chế tác từ 2 ống nứa dài thông suốt không có đầu mặt; một ống có chiều dài 101,7cm, đường kính lòng ống 3cm; ống kia có chiều dài 99cm, đường kính lòng ống là 3,3cm. Tuy hai ống đàn này có kích thước không khác nhau nhiều, nhưng nghệ nhân đã biết khai thác nguyên lý âm thanh bằng cách bịt mở một đầu của ống đàn để tạo ra 2 âm cách nhau một quãng 8:

- E (hơi non): khi bịt tay vào một đầu của ống dài
- e1 (hơi non): khi để ống dài thông suốt không bịt tay
- e1 (hơi già): khi để ống ngắn thông suốt không bịt tay

Nếu hai ống đàn để thông suốt không bịt tay thì ống này có cao độ cách nhau khoảng gần ¼ cung.

Khi diễn tấu, một người đàn ông đứng ở giữa, kẹp 2 ống đàn vào 2 bên nách và hai tay giữ ống đàn bắt chéo nhau hình chữ thập. Ở bốn đầu ống đàn, 4 cô gái – mỗi cô đứng trước một ống đàn dùng hai tay vỗ lùa hơi vào miệng ống, còn cô gái thứ tư đập bàn tay trực tiếp lên mặt ống đàn (tạo âm thanh thấp hơn một quãng 8). Người Brâu chơi đinh buk vào những lúc nhàn rỗi và thường chỉ chơi ở ngoài nương rẫy.

Chiêng Tha là nhạc cụ chỉ được mang ra trình tấu khi cộng đồng có việc quan trọng. Trước khi đánh chiêng bắt buộc phải làm lễ. Thầy cúng lấy máu gà bôi vào mặt trong của chiêng và đọc lời khấn thỉnh hồn chiêng về. Bộ chiêng Tha chỉ có hai chiếc chiêng bằng (không núm). Người Brâu gọi chiếc to là (mẹ) có đường kính 53cm, thành cao 6cm. Chiếc nhỏ hơn là “cha” có đường kính 47cm, thành cao 7cm. Người ta treo chiêng lên một giá gỗ. Hai người chơi chiêng ngồi quay mặt vào nhau: người ngồi đối diện với mặt ngoài của chiêng thì dùng dùi gõ bằng song mây, còn người kia ngồi đối diện với mặt trong của hai chiêng thì dùng hai chiếc dùi thẳng bằng cành tre nhỏ, dài khoảng 75cm, chọc liên tục vào khoảng giữa mặt trong của chiêng. Cả nam và nữ đều có thể đánh chiêng Tha nhưng phải là những người già.

Bôồng Bôồng là nhạc cụ dây, chi gõ. Thân đàn là một ống lồ ô dài khoảng 80cm, đường kính khoảng 10cm. Người ta tách ở trên mặt ống đàn một phần cật tre mỏng, nhỏ tạo thành dây đàn (đàn chỉ có một dây). Sau đó dùng một thanh tre chống vào khoảng giữa của dây đàn làm cho dây đàn căng lên đồng thời tạo ra 2 âm thanh ở hai bên que chống. Khi diễn tấu, nghệ nhân dùng 2 thanh tre nhỏ làm dùi gõ vào hai bên dây đàn. Nhạc cụ này dành cho nam giới sử dụng, dùng để độc tấu hoặc vừa gõ đàn, vừa hát trong sinh hoạt thường ngày của người Brâu.

Goong đinh pe play là nhạc cụ dây, chi gẩy. Thân đàn là một ống lồ ô dài khoảng 80 cm, đường kính khoảng 10 cm. Người ta tách từ trên mặt ống đàn ba phần cật tre mỏng, nhỏ tao thành 3 dây đàn. Hai đầu của mỗi dây đàn được kê bằng hai miếng tre để điều chỉnh cao độ. Thang âm của goong đinh pe play: f1 – d2 – g2. Khi diễn tấu, người ta dùng đầu ngón tay cái và ngón tay trỏ gảy vào dây đàn. Nhạc cụ này dành cho nam giới sử dụng, dùng độc tấu hoặc hòa tấu cùng các nhạc cụ khác trong những dịp hội hè và sinh hoạt thường ngày của người Brâu.

Goong đinh sơng play là nhạc cụ dây, chi gảy. Nhạc cụ này có cấu tạo, kỹ thuật diễn tấu, chức năng nghệ thuật và môi trường sử dụng cũng tương tự như goong đinh pe play nhưng có một điểm khác là nhạc cụ có 5 dây.
 Minh Bắc (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét