Gia đình sẽ chọn một ngày tốt, sau đó bện một sợi chỉ màu rồi
người bố địu con trên lưng đi theo lời chỉ dẫn của thầy cúng. Người bố địu con
đến một đoạn đường nơi có nhiều người qua lại rồi đứng ở đó chờ khi nào gặp được
người đầu tiên thì bố mẹ đứa trẻ sẽ nhận người đó làm cha, mẹ nuôi. Nếu là nam
thì nhận làm bố, còn là nữ thì nhận làm mẹ. Rồi nhờ người đó buộc sợi chỉ vào
tay cho đứa bé và đặt tên mới theo dòng họ của cha mẹ nuôi.
Nhận cha mẹ nuôi là một nét văn hóa truyền thống có ở nhiều
đồng bào dân tộc vùng cao, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái,
giúp đỡ nhau trong việc nuôi dạy con cái.
Nhận cha mẹ là phong tục có ở nhiều đồng bào dân tộc, nhưng
mỗi dân tộc lại có quan niệm, cách thức và những nghi lễ nhận con nuôi một cách
khác nhau. Với người La Chí, tục nhận cha mẹ nuôi cho trẻ xuất phát từ nhiều
nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu rơi vào những đứa trẻ hay ốm đau, chậm lớn,
còi cọc, hay hờn dỗi thì họ cho rằng đứa trẻ có số mệnh không hợp bố mẹ đẻ. Do
vậy, bố mẹ đẻ phải tìm cho đứa trẻ một người làm bố mẹ nuôi thì sau này đứa trẻ
mới mau lớn, khỏe mạnh, không bị ốm đau...
Để tìm người làm bố mẹ nuôi cho đứa trẻ, bố mẹ đứa trẻ nhờ
một thầy cúng "pô mè nhù" là người đại diện cho người trần liên hệ với
giới thần linh trong cộng đồng sẽ mách bảo cho bố mẹ đến một gia đình nào đó
trong dòng họ, trong làng xin một bát gạo mang về nấu cháo cho đứa trẻ ăn. Sau
khi ăn cháo, đứa trẻ không còn hờn dỗi, khóc lóc hay đau ốm như trước thì bố mẹ
đứa trẻ sẽ chọn một ngày tốt địu đứa trẻ, đồng thời mang một con gà, một bộ quần
áo, một sợi chỉ màu để nhận gia đình nhà đó làm thông gia.
Khi đến gia đình, bố mẹ đứa trẻ trình bày lý do từ khi gia
đình xin bát gạo về nấu cháo cho con, thấy hợp với cơm gạo nhà mình, không còn
khóc, ốm đau như trước, hôm nay sang nhận làm bố mẹ nuôi cho cháu. Sau đó chủ
nhà mang gà đi mổ, luộc chín đặt lên mâm cúng báo cáo tổ tiên là từ nay gia
đình có thêm một thành viên mới. Rồi bố mẹ nuôi đứa trẻ lấy sợi chỉ màu buộc
vào cổ tay đứa trẻ với ý nghĩa để giữ hồn không cho đi lang thang và mọi người
cùng ăn uống vui vẻ.
Một số gia đình lại chọn bố mẹ nuôi cho đưa trẻ bằng cách
vào buổi sáng sớm, bố đứa trẻ sẽ mang bát múc đầy một bát nước đặt lên bàn thờ
tổ tiên. Lấy các sợi chỉ màu vê thành một sợi dây đặt lên miệng bát nước. Sau
đó người chủ gia đình ngồi uống nước, hút thuốc đợi xem ai là người đầu tiên bước
lên trên sàn nhà (trừ những người trong gia đình), thì chủ nhà sẽ mời người đó
vào nhà uống nước, rồi thưa chuyện với người khách. Nếu họ đồng ý thì hai gia
đình nhận làm thông gia.
Bố mẹ đứa trẻ sẽ mổ gà, mời người đó ở lại ăn cơm với gia
đình. Đồng thời, buộc dây chỉ vào cổ đứa trẻ, với ý nghĩa để giữ hồn, nhờ vía của
người đó mà đứa trẻ sẽ hay ăn, trong lớn, không bị ốm đau, bệnh tật. Rồi gia
đình hẹn ngày đưa con, cùng lễ vật sang gia đình vái nhận làm cha mẹ nuôi cho
con mình.
Ngoài ra, bố mẹ đứa trẻ có thể chọn cha mẹ nuôi cho đứa trẻ
bằng cách khác. Gia đình sẽ chọn một ngày tốt, sau đó bện một sợi chỉ màu rồi
người bố địu con trên lưng đi theo lời chỉ dẫn của thầy cúng. Người bố địu con
đến một đoạn đường nơi có nhiều người qua lại rồi đứng ở đó chờ khi nào gặp được
người đầu tiên thì bố mẹ đứa trẻ sẽ nhận người đó làm cha, mẹ nuôi. Nếu là nam
thì nhận làm bố, còn là nữ thì nhận làm mẹ. Rồi nhờ người đó buộc sợi chỉ vào
tay cho đứa bé và đặt tên mới theo dòng họ của cha mẹ nuôi. Trong trường hợp,
nhiều người gặp đầu tiên mà còn nhỏ tuổi, thì người bố sẽ nhờ bố mẹ đứa trẻ đó
làm cha mẹ nuôi cho đứa trẻ.
Cũng có những trường hợp, họ đợi mãi mà vẫn không gặp được
người qua lại thì người bố sẽ nhìn ra xung quanh, nếu thấy có một hòn đá, một gốc
cây to, hay có một con trâu, một con ngựa đi qua thì họ sẽ lấy tên của hòn đá,
cái cây, con vật đó để đặt cho đứa trẻ. Rồi sau đó người bố cõng đứa trẻ về nhà
nhờ thầy cúng buộc dây cho đứa trẻ với ý nghĩa cầu cho đứa trẻ sẽ trở thành một
người khác, không còn đau ốm, hờn dỗi như trước.
Sau khi nhận được cha mẹ nuôi, hai gia đình nhận làm thông
gia thường xuyên qua lại, thăm hỏi lẫn nhau. Khi hai gia đình có công việc lớn,
hay vào các dịp lễ tết, họ đều mời nhau đến nhà chơi, ăn cơm, uống rượu thể hiện
tình cảm gắn bó, đoàn kết giữa hai gia đình. Còn theo lệ, trong ba năm đầu, vào
ngày tết, bố mẹ đứa trẻ phải mang một con gà, một chai rượu, cặp bánh chưng
sang nhà cha mẹ nuôi để cảm ơn. Còn sau ba năm, cha mẹ đứa trẻ không phải mang
lễ vật sang cảm ơn cha mẹ nuôi, nhưng giữa họ vẫn có mối quan hệ khăng khít. Phần
lớn các đứa trẻ sau khi nhận cha mẹ nuôi đều giữ nguyên họ, không sang ở nhà bố
mẹ nuôi, mà chỉ thỉnh thoảng sang thăm.
Ngày nay, tục nhận cha mẹ nuôi cho trẻ của người La Chí vẫn
giữ được những nét văn hóa truyền thống đặc trưng, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc,
thể hiện tinh thần đoàn kết, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị
văn hóa truyền thống của cộng đồng.
Cao Thực (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét