Tổng Quan Dân Tộc Thổ (Vi Đức Hồi)

Dân số: 74.458 người (2009).
Ngôn Ngữ: thuộc nhóm ngôn ngữ Việt-Mường, ngữ hệ Nam Á.
Tên gọi khác: Người Nhà Làng, Mường, Con Kha, Xá Lá Vàng…
Nhóm địa phương: Kẹo, Mọn, Cuối, Họ, Đan Lai, Ly Hà, Tày Pọng…
Địa bàn cư trú: Lâm Đồng, Thanh Hóa, Đồng Nai, Đắk Lắk , Bình Dương, Tp.Hồ Chí Minh, Điện Biên, Đắk Nông, Hà Nội.

Địa bàn cư trú:
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Thổ ở Việt Nam có dân số 74.458 người, có mặt tại 60 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Thổ cư trú tập trung tại tỉnh Nghệ An (59.579 người, chiếm 80,0% tổng số người Thổ tại Việt Nam), Thanh Hóa (9.652 người, chiếm 13,0% tổng số người Thổ tại Việt Nam), Lâm Đồng (966 người), Đồng Nai (657 người), Đắk Lắk (541 người), Bình Dương (510 người), thành phố Hồ Chí Minh (362 người), Điện Biên (226 người), Đắk Nông (216 người), Hà Nội (211 người)


2.    Kinh Tế Truyền Thống
2.1.    Trồng trọt
Cây trồng chính là lúa nương và gai. Người Thổ đến cư trú ở vùng đất này từ nhiều thể kỷ trước, khi đó đất rộng, người thưa, đồng bào tự do chọn đất khai phá để sản xuất. Mỗi mảnh nương họ thường sử dụng ba, bốn vụ rồi bỏ hoang.
Trước kia người Thổ canh tác dùng gậy chọc lỗ, nhưng về sau đã sử dụng sức kéo, dùng cày để làm đất. Chiếc gậy chọc lỗ thường được làm bằng cây kiền kiển, dài khoảng một sải rưỡi, gọi là cần món, tức lủ cày của người Mọn. Tiếng Thổ, chọc lỗ là tẩm, gieo hạt là rói. Theo tập quán của đồng bào, thông thường cứ Ba nam chọc lỗ thì bảy nữ theo sau tra hạt. Kỹ thuật dùng gậy chọc lỗ trong canh tác thường chỉ được sử dụng ở trên nương mới năm đầu khai phá. Vì lúc đó trên mặt đất còn nhiều mùn, dùng gậy chọc lỗ, ít làm xáo trộn đất trên mặt nương, do đó khi mưa xuống ít bị trôi mùn đi.
Người Thổ trên rẫy
Đồng bào Thổ thường chỉ dùng cày để làm đất đối với nương sử dụng từ năm thứ hai trở đi. Chiếc cày được gọi là nôn, có hình dáng giống chiếc cày chìa vôi. Với nương dùng cày, sau khi dọn sạch nương, người ta gieo vãi hạt giống, rồi cày lấp hạt, tiếp đó người ta bừa lấp hạt giống xuống dưới đất để chim muông khỏi nhặt ăn.


Cùng với cây lúa, người Thổ còn trồng các loại cây lương thực phụ như ngô, khoai, sắn. Những cây lương thực phụ này, khi mùa màng thất bát thì dùng làm lương thực, còn bình thường nó là thức ăn chăn nuôi: lợn, gà, vịt,… Bên cạnh cây lương thực, một nét đặc trưng của trồng trọt người Thổ là đồng bào người Thổ ở Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp trồng cây gai. Đồng bào Thổ trồng nhiều cây gai để lấy sợi đan võng nằm, đan lưới săn thú, lưới đánh cá, đồ đựng, đan túi đeo.
2.2.    Chăn nuôi
Người Thổ chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm như các dân tộc khác trong vùng. Những con vật nuôi trong từng gia đình thường là trâu, bò, lợn, gà, vịt, chó, mèo,… Phương thức chăn nuôi cũng là chăn thả, chăn ở nhà hai bữa: sáng sớm và chiều tối, còn cả ngày thả tự đi tìm kiếm ăn, tối lùa chúng về chuồng. Người Thổ nuôi trâu, bò để kéo cày và làm vật hiến sinh, hoặc làm thịt ăn trong các dịp cưới xin, ma chay, các ngày lễ hội lớn của dân tộc. Các con lợn, gà, vịt được nuôi nhiều hơn đại gia súc và cũng nhằm phục vụ cho cúng bái và ăn thịt.
2.3.    Khai thác tự nhiên
Sinh sống ở vùng núi rừng tỉnh Nghệ An, người Thổ cũng như các dân tộc khác đã tận dụng nguồn tài nguyên lâm thổ sản, thuỷ sản từ rừng và các dòng sông nơi đồng bào cư trú.
Đồng bào Thổ thu hái các loại rau rừng như: bạ, chặc, pứ, cạch côi, khả, lột, đâm cu, băng, mảu; các loại củ như: chè cù, chè pô, da nắm, nu; các loại quả như: tlai, chu, quẹo, phổ, bẳm, sỉ, khởi, căm, khim, nương, quả thị xanh, củ cải, củ mài, quả tre rừng. Mùa nào thức ấy, các loại rau, củ, hoa quả dại trên rừng thực sự có mặt thường xuyên trong nhà đồng bào và tham gia vào bữa ăn hàng ngày của từng gia đình.
Người Thổ thường săn thú rừng như mọi dân tộc khác. Tuy nhiên nét đặc trưng trong săn bắn thú rừng của người Thổ là người ta tổ chức săn bằng lưới. Một tấm lưới dùng để săn thú thường có độ dài trung bình là 9 – lOm, rộng khoảng 3 – 4m, sợi dây gai to tròn với tiết diện khoảng l,5cm, được đan hình mắc áo với trọng lượng khoảng 30 – 40kg. Người ta tổ chức săn đuổi con thú bằng chó đi lùng sục và người khua chiêng đánh trống ầm ĩ trong rừng sâu, làm con thú sợ, tìm đường chạy trốn. Người địa phương quen đường đi lối lại của con thú, đặt lưới trên đường con thú hay qua lại. Khi động, bị chó sục sạo, người xua đuổi, con thú chạy ra bị mắc vào lưới, không chạy được nữa. Lúc đó người ta dùng giáo sắt sắc đâm chết con thú. Người Thổ còn tổ chức đánh bẫy các con thú: voi, bò tót, cầy, cáo, nhím, chim các loại. Hố bẫy voi đào sâu đến 7m, trên miệng hố làm “sàn”, trên “sàn” phù lớp đất mỏng, hoá trang giống như đường đi bình thường. Con voi đi qua, giẫm lên sàn, sàn sập, sa xuống hố, không lên được nữa. Khi đó đồng bào Thổ dùng dao sắc chặt vòi, giết chết con voi. Bầy bò tót thường bẫy bằng thòng lọng lớn. Khi bò tót chui đầu vào thòng lọng, thòng lọng chịt giữa cổ con vật, con vật không đi được nữa, khi đó người ta bắt sống con vật. Đồng bào Thổ còn làm các loại bẫy nhỏ hơn để bắt hươu, nai, hoẵng. Các loại bẫy nhỏ thường dùng nguyên tắc cần bật; dùng mũi tên “tự động” để bắt hổ, báo, gấu, lợn rừng. Nghề săn thú rừng có ý nghĩa quan trọng đối với người Thổ, bởi nó vừa bảo vệ mùa màng, vừa bảo vệ người và các con vật nuôi trong từng gia đình. Chính vì vậy, trong người Thổ hình thành những quy định về phân chia thành quả săn bắn được.


Người Thổ cũng thường hay đánh bắt các loại thuỷ sản trên sông cá, tôm, cua, ốc, trai, hến. Đồng bào Thổ có cách bắt cá cổ truyền, ít thấy ở dân tộc khác. Trên dòng sông Dinh, sông Hiếu, lòng sông rộng, nước chảy mạnh, về đêm, bằng tay không đồng bào bắt được cá ngủ (gọi là bắt cá “nạc”), tức là bắt cá theo kiểu con rái cá. Việc bắt cá ngủ với khối lượng lớn đòi hỏi phải có trình độ đạt mức kỹ năng, kỹ xảo cao trong nghề đánh bắt cá. Dụng cụ đánh bắt cá ở đây cũng có nét độc đáo: hom giỏ kết bằng tai hoa mây (lá ngáng), xúc vợt (việc), vó trời (cuộng), , chài,…
2.4.    Ngành nghề thủ công
Người Thổ có nghề thủ công tương đối phát triển là nghề đan lưới bằng dây gai và nghề đan mây, tre.
Phụ nữ Thổ đang đan lưới
Nghề đan lưới bằng sợi gai phát triển ở vùng Nghĩa Đàn, Quý Châu, Quỳ Hợp. Ở đây, người Thổ đan võng nằm, đan lưới săn thú rừng, đan lưới đánh bắt cá, đan túi đeo,… Võng nằm có nhiều cỡ, rộng, hẹp, dài, ngắn khác nhau. Nhưng người Thổ quen phân biệt võng theo “mát” võng bốn mặt, hoặc võng ba mặt, tức là tính theo số sợi gai cấu tạo nên mắt võng. Võng bốn mắt tốn gai hơn, công bện lâu hơn, nhưng lại bền, đẹp hơn, được ưa dùng hơn. Lưới săn thú rừng thường được đan với sợi gai to, cỡ bằng ngón tay cái, lộ mắt cáo rộng tới 15- 20cm. Lưới săn thú rừng thường có hình chữ nhật, chiều rộng khoảng 3 – 4m, chiều dài khoảng 15 – 20m. Người Thổ còn đan lưới đánh cá trên các sông, đan rìu – chiếc túi lưới luôn mang theo bên người để đựng măng, nấm, rau, quả dại hái được ở trên rừng. Lưới đánh cá và rìu được đan bằng sợi gai nhỏ và mắt cáo nhỏ.
Nghề đan mây, tre phát triển ở vùng Con Cuông, Tương Dương. Những sản phẩm đan mây, tre được nhiều người ưa thích như: ghế mây, mâm mây, bồ đựng quần áo, hộp đựng kim chỉ. Đó là các sản phấm của cư dân Đan Lai, Ly Hà, Tày Poọng.
2.5.    Trao đổi, mua bán
Sống trong nền kinh tế tự túc, tự cấp, nhưng người Thổ không phát triển nghề dệt, mà lại phát triển nghề thủ công đan lưới và đan mây, tre, cho nên, việc trao đổi mua bán hàng hoá ở người Thổ khá phát triển. Nét mang tính đặc trưng ở đây là người Thổ thường lấy sản phẩm thủ công của mình là võng nằm, lưới đánh cá, ghế mây, mâm mây, bồ đựng quần áo bằng mây ra chợ bán để lấy tiền mua vải may quần áo, hoặc đôi khi mua ngay quần áo may sẵn như váy người Thái để mặc. Đồng bào Thổ còn lấy lâm thổ sản ra chợ bán hoặc đổi lấy muối ăn, xoong, nồi, dao, cuốc, kim khâu, dầu thắp, giấy vở cho trẻ em đi học; mua chỉ thêu, đồ trang sức làm đẹp cho phụ nữ.
3.    Văn hoá truyền thống
3.1.    Làng
Người Thổ cư trú thành từng bản, mỗi bản có từ chục đến vài chục nóc nhà. Nơi chọn làm bản thường là sườn đồi núi, hoặc dọc theo các dòng sông, gần nương, gần nguồn nước. Trong bản thường có nhiều dòng họ cùng cư trú, trong các dòng họ đó có một dòng họ có ưu thế về số lượng người cũng như về khả năng kinh tế và quan hệ xã hội. Trong làng có miếu thờ thổ công. Miếu làng có giá trị tập hợp dân làng không phân biệt giàu, nghèo, không phân biệt dân tộc theo ý thức tôn giáo.
Làng là đơn vị xã hội nhỏ nhất. Đứng đầu làng là ông trùm làng, được dân làng bầu lại hàng năm. Trùm làng có nhiệm vụ quan trọng nhất là đốc thúc các công việc sưu dịch, thuế khoá và những khoản đóng góp khác của làng mình lên cấp trên theo quy định của quan trên. Ngoài ra, trùm làng còn đảm đương việc cai quản xây dựng, sửa sang, tu bổ các đền, miếu, cũng như cai quản các ông từ trông coi các đền miếu trong làng. Trùm làng là người chủ trì buổi lễ xin ý kiến thần linh bổ nhiệm người chủ cho mỗi vụ gieo trồng; là người xử phạt các vụ chửa hoang, ngoại tình ở trong làng. Những gia đình có con cái mắc tội chửa hoang, những người ngoại tình, phải nộp phạt cho dân làng, nhưng thực chất những hiện vật, hoặc tiền nộp phạt đó, đều vào tay trùm làng. Cùng với trùm làng, ở mỗi làng còn có ông cậu trông coi việc giấy tờ và một số tuần giữ gìn an ninh. Người dân cư trú trong làng, ngoài việc đóng, góp cho quan trên, hàng năm còn phải đến làm rẫy cho trùm làng-, đồng thời phải biếu xén, lễ lạt mỗi khi trong nhà trùm làng có công, có việc. Ở một vài nơi, trong làng có chủ sắc chuyên việc cúng lễ, được làng giao cho vài ba sào ruộng, để sản xuất và dùng vào việc cúng lễ đó.
Về mối quan hệ giữa các gia đình trong làng, nét nổi bật nhất là tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Biểu hiện chính của tinh thần này là sự giúp nhau trong việc dựng nhà, có quy định về góp công sức, vật liệu cho gia đình làm nhà mới.
3.2.    Nhà ở
Phần lớn người Thổ ở nhà sàn. Nguyên vật liệu làm nhà là gỗ, tre, nứa, lá có sẵn tại chỗ, ở trong làng. Khi cần làm nhà, người ta vào rừng chọn nguvên vật liệu lấy về dựng nhà, không cần mua bán. Nhà thường được dựng đơn giản, cột ngoãm, chôn cột xuống đất. Do vùng miền núi Nghệ An nhiều rừng, lắm cây, kỹ thuật làm nhà đơn giản, cho nên dụng cụ làm nhà cũng đơn giản chỉ cần một con dao, một chiếc rìu là có thể dựng được ngôi nhà thông thường.
3.3.    Y phục, trang sức
Do nhiều nguồn di cư từ nhiều nơi khác nhau đến và trong tâm trạng cũng muốn “lánh xa” tiếp xúc xã hội, cho nên, người Thổ không phát triển nghề dệt, không tự sản xuất ra vải làm trang phục, mà chủ yếu là do đổi chác với các cư dân khác trong vùng, cho nên trang phục của người Thổ có tính phụ thuộc, có nhiều nét dị biệt, thiếu đồng bộ. Đàn ông Thổ mặc tương tự như người Kinh với chiếc quần tráng, cạp vấn, chiếc áo dài lương đen và đầu đội khăn nhiễu tím. Trang phục phụ nữ Thổ, tuỳ từng vùng có những khác biệt. Ở vùng Lâm La (huyện Quỳ Hợp), phụ nữ mặc váy vải sợi bông màu đen giống như người Kinh, có thêu thêm hai đường chỉ màu từ cạp xuống tới gấu váy dọc theo hai bên sườn; mặc áo năm thân vải sợi bông, nhuộm màu nâu hoặc để nguyên trắng, tương tự như trang phục của phụ nữ Kinh. Ở vùng khác thuộc huyện Quỳ Hợp, chị em phụ nữ thường mua, hoặc đổi lấy váy người Thái về mặc. Đó là chiếc váy sợi bông, nhuộm chàm, dệt kẻ sọc ngang. Khi mặc, những đường sọc của váy tạo thành các đường trong song song xung quanh thân người. Một số người còn mặc váy có thêu hoa văn hoặc san bằng vải sợi tơ dệt hoa văn ở phần chân váy. Áo phụ nữ vùng này là chiếc áo cánh trắng cổ viền, ống tay hẹp, tương tự như áo phụ nữ người Kinh. Ở các vùng trên, phụ nữ đều đội khăn vuông trắng, giống như người Mường và để tang bằng khăn dài trắng giống như người Kinh.
3.4.    Ẩm thực
Bánh đầu chó- món bánh nổi tiếng của người Thổ (Ảnh sưu tầm)
Bữa ăn thường ngày của người Thổ là cơm rau. Thịt, cá không có trong thực đơn thường ngày. Hàng ngày, đi làm, gặp cơ hội, săn bắn được con chim, con thú, hoặc đánh bắt được con cá, con tôm thì chế biến làm thực phẩm ăn luôn. Những gia súc, gia cầm nuôi trong nhà thường được giết mổ trong các dịp có cúng bái, sau đó dùng để ăn. Thường ngày cũng có khi làm thịt gà, vịt, trong trường hợp có khách quý, thông gia đến thăm gia đình.
3.5.    Phương tiện vận chuyển
Cũng như các dân tộc khác, người Thổ sử dụng gùi như công cụ vận chuyển hàng.

3.6.    Ngôn ngữ
Tiếng nói: Tiếng nói của dân tộc Thổ thuộc hệ ngôn ngữ Nam Á, nhóm ngôn ngữ Môn – Khmer. Tiếng nói của các nhóm có sự khác nhau.Tiếng nói của nhóm cư dân Cuối được nhiều nhà nghiên cứu dân tộc học gọi là tiếng nói của lớp cư dân bản địa. Tiếng của họ có nhiều yếu tố giống tiếng nói của cư dân Đan Lai, Ly Hà, Tày Poọng. Đây là nhóm cư dân có tiếng nói mang nhiều yếu tố cổ xưa hơn cả. Tuy nhiên, cư dân các nhóm khác nhau vẫn có thể giao tiếp với nhau được bằng tiếng mẹ đẻ của mình.
Môi trường xã hội của người Thổ là các dân tộc nói tiếng Thái, tiếng Kinh. Sinh sống lâu năm trong môi trường xã hội đó, hầu như tất cả người Thổ đều biết tiếng Thái và tiếng Kinh (Việt).
Chữ viết: Người Thổ chưa có chữ viết riêng của dân tộc mình. Sau này, người Thổ học tiếng Việt và sử dụng chữ Quốc Ngữ (tiếng Việt). Ngày nay tiếng Việt và chữ Quốc Ngữ được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống của người Thổ.
3.7.    Tín ngưỡng tôn giáo
Người Thổ tin vào đa thần, quan niệm “vạn vật hữu linh”, mọi vật đều có linh hồn. Quan niệm của đồng bào về cõi âm khá phức tạp, có đủ các loại ma thần khác nhau. Người Thổ cho rằng, thần ở trên trời, ma ở dưới đất, có những người lùn ở dưới mặt đất, có “tó khụ ” – con thuồng luồng ở dưới nước. Có làng thờ hàng chục vị thần (14 – 15 vị), bao gồm nhiên thần, nhân thần và những vật vô tri, vô giác. Đó là các vị thần Đông, thần Tây, thần Đức Ồng, thần Thuỷ Te… Có nơi còn thờ cả thần Cao Sơn, thần Cả – Anh Cả, thần Đẹt – Em bé. Người Thổ cho rằng, cỏ ma ở khắp nơi: ma đồng, ma bãi, ma nhà, ma cây đa đầu làng, ma trẻ em chết yểu. Đồng bào thờ những người có công khai phá đất đai, những người có công đánh giặc.
Trong phạm vi gia đình, người Thổ thờ cúng tổ tiên, bên cạnh đó thường cúng bà mụ, mỗi khi có trẻ bị ốm đau, cúng vía cho người lớn vào những dịp lễ, tết và khi đau ốm. Một nét đáng chú ý là trong nghi lễ cúng bái, các thầy mo người Thổ thường cúng ma, cúng thần linh các loại ví» cúng chữa bệnh trừ tà đuổi quỷ cho người ốm đau bằng tiếng Cuối, nhưng lại cúng tổ tiên gia đình của mình bằng tiếng phiên âm Hán – Việt.
3.8.    Lễ Hội
Lễ xuống đồng của người Thổ (Ảnh sưu tầm)
Lễ hội là một bộ phận của cuộc sống của dân tộc. Người Thổ có nhiều lễ hội liên quan đến tín ngưỡng đa thần. Tuy nhiên đồng bào coi trọng nhất là các lễ: lễ xuống đồng, lễ cơm mới, lễ mừng nhà mới. Lễ xuống đồng được tổ chức vào đầu mùa làm rẫy.Ở vùng Tân Kỳ, Nghìn Đàn, Quỳ Hợp, đồng bào Thổ tổ chức lễ xuống đồng rất linh đình. Lễ cơm mới được tổ chức hàng năm trong từng gia đình. Nghi lễ này được tổ chức nhằm mục đích tạ ơn tổ tiên và thần linh đã cho vụ mùa bội thu. Đồng thời cầu mong thần linh phù hộ cho vụ mùa năm sau cũng được thu hoạch gấp bội phần năm qua. Nghi thức vào nhà mới được đồng bào Thổ hết sức coi trọng. Khi dựng nhà mới người Thổ có tập quán giúp nhau với tinh thần tương thân tương ái. Khi vào nhà mới, niềm vui không chỉ là của chủ nhà, mà là niềm vui chung của anh em họ hàng và của dân làng. Ngày vào nhà mới, người ta chúc sức khoẻ chủ nhà, chúc làm ăn luôn gặp may mắn.
3.9.    Văn học dân gian
Phụ nữ Thổ hát múa (Ảnh sưu tầm)
Văn học dân gian của người Thổ khá phong phú và đặc sắc.vốn văn vần: ca dao, đồng dao, tục ngữ, thành ngữ, câu đố, giải đố tồn tại từ lâu đời, được nhiều người biết và sử dụng thành thạo trong cuộc sống. Phải chăng điều này gắn với việc trước đây đồng bào Thổ chưa dùng chữ viết. Tục hát ví – hát bạn, hát “nhà tơ” – lối hát ví dặm vốn là hát của người Kinh được lưu truyền trong dân tộc Thổ. Phần lớn các bài hát kể về sự tích đều được kể bằng tiếng Cuối. Tục kể đắng – một hình thức kể chuyện sự tích, có nhân vật, có tình tiết khá hấp dẫn. Những chuyện kể về người có công lập làng, dựng bản, khai phá đất đai, tạo ra nương rẫy được các cụ già cao tuổi ưa thích và hay kể cho con cháu nghe. Các làn điệu dân ca: đu đu điềng điềng, tập tính tập tang là những làn điệu dân ca mang nét đặc sắc của dân tộc Thổ. Trong các bài hát dân ca, đâu đó còn nhiều sự pha trộn giữa tiếng Thổ với tiếng Kinh ở Nghệ An.
3.10.    Gia đình
Mỗi ngôi nhà là nơi ở của một gia đình. Gia đình người Thổ là gia đình phụ hệ nhỏ. Trong gia đình thường chỉ có hai thế hệ là bố mẹ và các con cái của họ. Một số gia đình còn có thêm ông bà, khi ông bà còn sống. Con cái sinh ra trong gia đình được tính theo dòng bố; các con trai được quyền kế thừa tài sản do cha mẹ để lại, có nghĩa vụ thờ cúng, chăm sóc mồ mả của tổ tiên. Con gái đi lấy chồng, được bố mẹ chia cho ít của hồi môn và về nhà chồng hưởng tài sản bên nhà chồng.
Gia đình người Thổ còn là gia đình phụ quyền. Trong gia đình, người chồng, người cha có quyền hành lớn giải quyết các công việc hệ trọng như: sản xuất, làm nhà, cưới xin, ma chay, quan hệ dòng tộc, ứng xử cộng đồng,… Người con trai cả cũng là người có quyền lớn hơn cả người mẹ, sau khi bố mất.
Trong gia đình người Thổ, quan hệ giữa các thành viên đều bình đẳng, cùng lao động, cùng hưởng thụ sản phẩm làm ra, không phân biệt con trai hay con gái. Tuy nhiên, với người già, trẻ em, phụ nữ chửa đẻ thường chỉ làm việc nhẹ nhàng trong gia đình.
3.11.    Tục lệ cưới xin
Người Thổ có chế độ hôn nhân ngoại hôn dòng tộc. Quan hệ hôn nhân giữa những người trong cùng huyết thống bị nghiêm cấm, coi đó là sự loạn luân không thể chấp nhận được và bị phạt rất nặng. Trước đây, người Thổ chủ yếu kết hôn giữa những người cùng dân tộc Thổ. Hiện tượng kết hôn với người dân tộc khác hầu như không có, có chăng là chỉ trường hợp lấy vợ lẽ.
Hôn nhân của người Thố cũng là hôn nhân một vợ, một chồng bền vững. Trong bản người Thổ không gặp những gia đình đa thê, đa phu. Chỉ có những người có chức sắc đôi khi lấy vợ lẽ, nhưng đó chỉ là hiện tượng cá biệt và không được cộng đồng người Thổ ủng hộ. Sau hôn lễ đôi vợ chồng trẻ cư trú bên nhà chú rể.
Trước khi đi đến kết hôn, theo phong tục dân tộc, con trai, con gái người Thổ được tự do tìm hiểu người bạn đời của mình. Hình thức tìm hiểu của họ rất độc đáo. Theo phong tục này, trai, gái gặp nhau trong các dịp hội hè, lễ tết được tự do trao đổi tâm tình theo từng cặp trai gái một hay một số đôi trai gái. Cách tìm hiểu độc đáo là hiện tượng “ngủ mái”. Có thể một trai nằm trò chuyện cùng vài ba cô gái một lúc và ngược lại. Trong đêm ngủ mái, trai gái làm quen với nhau một cách lành mạnh, tôn trọng nhau, là những kỷ niệm trong sáng trong cuộc đời của con người. Tập quán dân tộc không chấp nhận ngủ mái có cử chỉ sàm sỡ. Ai vi phạm sẽ bị cộng đồng lên án, coi thường, ghẻ lạnh và sau đó khó có cơ hội “ngủ mái” khác trong tuổi trẻ của mình. Từ những đêm “ngủ mái” có nhiều đôi lứa dần dần hình thành, dẫn tới việc tiến hành những nghi thức cho một cuộc hôn nhân theo phong tục dân tộc.
Tục lệ cưới xin của dân tộc Thổ gồm lễ ăn hỏi, thăm hỏi hàng tháng, lễ cưới. Nhà trai nhờ người làm mối – ông Pin đến nhà gái đặt vấn đề chính thức ăn hỏi cô gái làm con dâu gia đình nhà trai. Khi được nhà gái nhận lời, hai gia đình quan hệ thăm hỏi thường xuyên với nhau trong vài ba năm trước khi tổ chức lễ cưới. Trong thời gian ba năm quan hệ thăm hỏi này, chàng trai phải có lễ thăm nhà gái đều đặn mỗi tháng một lần. Lễ vật thăm hỏi thông thường là bốn chiếc bánh chưng, một ché rượu. Nếu chàng trai tự ý bỏ thăm hỏi một lần, coi như bỏ vợ. Ngoài lễ thăm hỏi hàng tháng, trong những dịp tết Nguyên đán, lễ mồng 5 rằm tháng Bảy, lễ cơm mới, chàng trai đều phải có lễ lớn hơn gồm một thúng xôi và nhiều rượu thịt đến thăm nhà cô gái. Cũng trong thời giann chờ cưới đó, vào những ngày mùa chàng trai luôn phải tham gia lao động nặng nhọc ở bên nhà gái. Khi tổ chức lễ cưới, mọi chi phí do nhà trai chịu. Thông thường, nhà trai phải dẫn một con trâu, 100 đồng bạc trắng, 30 vuông vải mộc trả ơn công mẹ đẻ, 6 thúng xôi, một con lợn.
3.12.    Tập quán tang ma
Xuất phát từ quan niệm vạn vật hữu linh, coi người khi sống không chỉ có xác, mà còn có hồn-linh hồn. Xác sẽ bị huỷ hoại, nhưng hồn còn sống mãi với thời gian. Do vậy, khi có người chết, người ta bày tỏ lòng thương nhớ đối với người chết thông qua việc làm tang ma. Người chết được gọi hồn vía về để nhập liệm, rồi làm cỗ bàn cúng tế trong nhiều ngày. Thời gian quàn linh cữu ở trong nhà, tuỳ theo khả năng kinh tế của từng gia đình. Những gia đình giàu cỏ quàn trong nhà cả tuần, còn gia đình khó khăn về kinh tế chỉ quàn trong nhà vài ba ngày. Suốt trong thời gian quàn linh cữu trong nhà, người ta tổ chức ăn uống rất tốn kém, gia đình nhà giàu có, mổ vài con trâu làm tang lễ và cỗ bàn mời người đến giúp tang chủ làm tang lễ.
Sau khi mai táng, người Thổ tổ chức các lễ cúng 3 ngày, 50 ngày và 100 ngày, tương tự như tập quán người Kinh trong vùng. Người Thổ không có tục bốc mả. Hàng năm vào dịp tết Nguyên đán, đồng bào tổ chức quét mả, mời tổ tiên về ăn tết cùng con cháu gia đình. Còn vào các dịp tết Đoan ngọ (5 – 5), tết Trung nguyên (15 – 7), tết Cơm mới (10 – 10) đều được đồng bào tổ chức cúng bái chu đáo, thể hiện lòng kính trọng tổ tiên – cội nguồn sinh ra mình.

Vi Đức Hồi (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét