Tín ngưỡng dân gian trong đời sống của dân tộc Ba Na ở Kon Tum (Hoàng Hồng Ninh)

Ngưi Ba Na thường làm một số nghi thức để đoán ý của thần linh về công việc đang định làm sẽ mang lại điều dữ hay lành.

Cũng như các dân tc ít ngưi khác trên vùng Trưng Sơn, người Ba Na có rất nhiều tín ngưng tâm linh, đôi khi tin vào những điều phi thực tế nhưng đối với họ rất hệ trọng. Vì những tín ngưỡng dân gian ấy là nền tảng cho mọi sinh hoạt hằng ngày, đôi khi là "động lực sống" của từng thành viên, một gia đình, dòng họ hay cả cộng đồng.

Trước hết, người Ba Na tin rằng con người là một giống hữu sinh hữu tử, sống là ở tạm trên trần gian, chết mới thật được về nơi nhất định. Vì vậy, sống là phải có mục đích, phải mưu cầu hạnh phúc cho mình và cho người thân, làm sao mình có thể đạt được điều tốt nhất trong hiện tại... Những hạnh phúc đó không những được thụởng ở thế giới này mà còn có thể đem đi hưởng thụ ở đời sống mai sau.
           
Tuy nhiên, lòng mong muốn của con người là vậy nhưng mà sức lực có hạn. Cho nên muốn đạt được mục đích trên, người Ba Na phải trông cậy vào những đấng siêu nhiên (Yàng) có quyền phép để có thể nhờ họ phù hộ cho mình từ lúc còn là hình hài trong bào thai đến lúc được sinh ra, lớn lên... và rồi đi về cõi Mang Lung.
                       
Vì những lẽ đó mà mới có những cuộc giao tế mật thiết giữa người và thần. Người và thần là hai thế giới khác nhau nên không thể theo lối thông thường mà giao cảm hết được nên mới sinh ra những tục thờ cúng, cách cầu khấn, nguyện hứa, báo mộng, báo điềm tốt xấu... Đó là sợi giây vô hình để liên lạc giữa đôi bên. Qua đó người Ba Na có những tiên liệu và phòng bị cho cuộc sống của họ được như mong muốn hơn.

Trong Lễ Ét đông người Ba Na đã ngầm bỏ một số hạt gạo dưới đáy ghè, sau lễ họ sẽ đếm lại số hạt gạo đó để đoán sự lành dữ của gia đình mình trong năm mới.


Để biết được trước những điều lành, dữ khi làm một điều gì quan trọng, người Ba Na cũng có cách bói keo hoặc xin keo mà hỏi: Họ sẽ giết thịt một con gà, sau khi dâng gà cúng thần linh, họ sẽ cầu và nói trước với thần về việc hệ trọng sắp làm và mong thần chỉ dẫn. Họ lấy xương lưỡi của gà (xương này gồm ba cái, để đấu lại với nhau thành hình mỏ neo). Nếu cái xương ở giữa cong xuống họ tin là thần báo hiệu điều tốt cho mình, ngược lại nếu xương ấy cong lên thì là điều xấu. Vì thế nếu muốn làm việc gì hệ trọng họ cũng để lùi lại vào một thời gian khác khi thấy thuận tiện hơn.

Việc lập làng là việc rất hệ trọng nên phải được xem xét kĩ lưỡng. Để biết được thần linh có đồng ý cho lập làng trên vùng đất đã định hay không, họ lấy ba miếng bùa (là những vật mà họ tin là rất linh thiêng, được truyền từ đời tổ tiên ông bà) tung lên phần đất đã chọn và khấn: "nếu phần đất này tốt, lập làng được thì xin cho sấp hai, ngửa một", khi bùa thiêng rớt xuống nếu y như lời khấn thì họ tin là thần đã báo hiệu có thể lập làng sống lâu dài được. Nếu ngược lại thì họ bỏ mảng đất ấy đi kiếm một vùng đất khác. Bói xin keo này cũng được sử dụng trong việc xét xử những người vi phạm luật tục nghiêm trọng của làng trước kia.

Với việc xây dựng một nhà rông mới, người Ba Na cũng có niềm tin đặc biệt vào sự chỉ lối của đấng siêu nhiên như đặt những hạt gạo trong một cái bát úp hoặc một miếng lồ ô chẻ đôi rồi úp xuống vị trí định xây nhà rông. Nếu sau 3 ngày, những hạt gạo còn nguyên không mất hoặc dư hạt nào thì họ mới tiến hành xây dựng còn nếu ngược lại thì họ hoãn lại chờ đến dịp sau. 

Nếu khi đi ra khỏi nhà để làm những việc quan trọng như phát rẫy, kiếm đất lập làng... nếu gặp chim báo chao bay từ bên phải qua bên trái (bay tới mình) hoặc bay từ sau ra trước (kéo mình đi) là điềm tốt. Trái lại bay từ trái qua phải hay bay tránh mình hoặc bay từ trước ra sau (chận đường) thì là điềm xấu. Nếu nghe chim kêu hai bên phải hoặc trái của mình đều là điềm tốt còn kêu ở đằng sau hoặc đằng trước thì là điềm xấu vì kêu trước mình là chận đường còn kêu sau mình là gọi trở lại.

Nghe tiếng Chim gõ kiến kêu người thợ săn sẽ đoán được mức độ săn bắt của mình ngày hôm đó.

Đi săn mà nghe được tiếng Chim gõ kiến kêu liền tiếng là mình có thể được vật săn lớn, còn nghe kêu nhỏ mà chậm thì sẽ được con vật nhỏ hoặc đi về tay không. Đi buôn mà gặp được hai con chim dâu miệng lại cắn nhau là tốt vì mình nói ra sẽ có kẻ khác nghe mình. Nhưng nếu đi đường mà gặp những con vật chết thì họ sẽ cảm thấy không vui lắm vì lo ngại sẽ có những chuyện không may xảy ra. Khi đi phát rẫy, mới chặt vài lát mà nghe con mang kêu là điềm xấu, họ nghĩ chắc thần không cho mình làm rẫy chỗ đó, không nghe cả là tốt.

Ngoài ra người Ba Na còn rất chú ý những điềm báo (điềm triệu). Họ tin đây là dấu hiệu hoặc tự nhiên hoặc vì người hỏi mà thần dùng để tin cho người biết điều lành mà làm, điều dữ mà tránh: Những điềm báo kì dị như gà 3 chân, gà đẻ trứng mềm và những việc quái lạ như gà mái gáy, gà trống đạp mái trên sàn nhà, heo cạp máng...đều là những điềm không lành. Nhà ai có những điềm ấy thì phải làm thịt ngay nếu không thì nhà đó sẽ có nhiều chuyện xảy ra không tốt.

Lại có khi thần báo mộng cho người biết qua giấc chiêm bao khi ngủ: Nếu trong đêm người Ba Na mơ thấy điều gì, thức dậy họ cố đoán cho biết thần muốn báo tin gì cho mình. Không đoán được thì phải nhờ thầy cúng hoặc những người nào có thể hiểu và giải được những điềm báo mộng đó để giúp mình lý giải ý Thần linh muốn báo tin gì qua điều mơ thấy. Chẳng hạn như: Mơ thấy nước sông tràn bờ (lúa nhiều không đủ chỗ để) hay mơ thấy một cây đa to có rất nhiều cành (người đến mua lúa của mình đông như chim nằm trên cành đa). Đi buôn được lợi thì mơ thấy mình câu được cá tràu, ca trê (cá tràu là trâu, cá trê là bò của thần) v.v. Thấy được chiêm bao lành thì người Ba Na giâú kín không dám cho ai biết vì sợ sẽ gặp người chơtâm chơ tu(là người bị ô uế về tinh thần) thì thần sẽ sinh gớm không cho điềm lành ứng nghiệm nữa. Còn nếu mơ điều dữ, lập tức sáng hôm sau họ lấy chổi đập vào bậu cửa (là cái xấu xa, ô uế vì có nhiều người bước qua) và nói: xin đừng cho chiêm bao ứng nghiệm, hãy cho nó xấu xa như cái bậu cửa này, theo họ khi nghe thấy thế thần linh sẽ thấy gớm mà không thực hiện cái điềm dữ ra nữa….

Những tín ngưỡng nêu trên được người Ba Na dựa vào đấy để lý giải những sự vật, hiện tượng của tự nhiên cũng như muốn liên kết với thế giới siêu nhiên mà ngày thường trong thâm tâm mỗi người dân mong muốn được khám phá từ xưa cho đến nay, và càng ngày những tín ngưỡng trên lại càng được làm phong phú thêm trong cuộc sống của mỗi cá nhân, cộng đồng và dân tộc mình. Thông qua những “điều lành dữ” này, con người có thể sẽ có thêm quyết tâm, động lực để thực hiện phần việc quan trọng của mình (của cộng đồng) nếu tốt còn sẽ hành động cẩn trọng hơn nếu điều đó là ngược lại.

 Hoàng Hồng Ninh (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét