“Lễ ra đồng” của người Pu Péo có từ xa xưa nó gắn liền với
quá trình phát triển của dân tộc Pu Péo. Nhưng hiện nay do nhiều nguyên nhân
khác nhau như sự biến thiên của lịch sử, quá trình di cư, chiến tranh, hay do đời
sống kinh tế không ổn định nên “Lễ ra đồng” cũng như một số lễ hội khác của dân
tộc Pu Péo đang có nguy cơ mai một. Bởi vậy, việc tổ chức các hoạt động nhằm giữ
gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số rất
cần được quân tâm và chú trọng. Một trong những nét văn hóa tiêu biểu cần được
phục dựng và phát huy đó chính là Lễ ra đồng của người dân tộc Pu Péo.
Lễ ra đồng, tiếng địa phương
là “pặt oong” Pặt tiếng Pu Péo là làm sạch, còn oong là nước, pặt oong có nghĩa là làm sạch nước, là phát nước,
phát lửa ra đồng đuổi những tà ma, điều xấu, những điều không may mắn, xui xẻo
ra khỏi nhà, khỏi làng, ra khỏi vùng lãnh thổ của người Pu Péo. Theo các cụ cao
niên người Pu Péo kể lại, xưa kia năm nào cũng vậy cứ đến tháng Giêng (từ ngày mùng 5 đến ngày 12 tết), tất cả người dân trong bản lại có
mặt đông đủ để tham gia Lễ ra đồng (pặt oong) với mong muốn cầu chúc một năm mới
thịnh vượng, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ ra đồng đã có từ lâu đời,
trải qua thăng trầm của lịch sử đã có phần mai một và quy mô tổ chức cũng khác
nhau nhưng vẫn mang đậm nét bản sắc dân tộc Pu Péo. Trình tự Lễ ra đồng cũng hết sức quan trọng, trước hết là người dân trong bản
góp 02 con gà (1 trống, 1 mái), 2 kg gạo nếp làm bánh để làm lễ cúng chung,
dâng lên thần rừng, thần núi, thần nước, sông suối sau một năm làm ăn. Đồng thời
cầu những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với người dân trong bản trong năm tới. Bên cạnh
đó, các gia đình còn phải chuẩn bị mâm cúng lễ tổ tiên trong nhà. Lễ ra đồng được
bắt đầu ở nhà thầy cúng (chủ lễ), tại bàn thờ tổ tiên nhà mình thầy cúng chuẩn
bị một con gà trống luộc chín, bánh làm từ bột nếp, rượu, 03 phươn cơm - thịt để
làm lễ vật dâng cúng. Sau khi làm lễ cúng tổ tiên, thầy cúng làm một bó đuốc bằng
rơm bện chặt, một đầu châm lửa còn đầu kia dùng dây buộc chặt lại; Hai tay thầy
cúng cầm một con gà trống, một con gà mái mang vào cúng trước bàn thờ tổ tiên
khoảng 05 phút, sau đó mang đến tất cả các gia đình trong bản để cúng.
Khi vào mỗi
nhà, thầy cúng đến đứng trước bàn thờ tổ tiên thắp hương để xin phép làm lễ xua
đuổi tà ma. Xin xong, thầy cúng cầm bó đuốc đến các góc nhà, giường ngủ, bếp...để
đuổi ma làm hại, vừa hua bó đuốc thầy vừa khấn với hàm ý làm sạch nước, làm sạch
lửa, xua hết bệnh tật cho gia chủ khỏe mạnh, gia súc đầy đàn. Nghi lễ cúng
trong các gia đình trong bản xong, thầy cúng chuyển sang cúng thần rừng tại địa
điểm chung của bản. Đồ lễ cúng thần rừng dịp này đơn giản hơn lễ cúng thần rừng
vào ngày mùng 6 tháng 6 hàng năm, chỉ có 02 con gà, cơm và thịt lợn.
Sau khi cúng thần rừng, thần
ruộng, thầy cúng cho lập đàn để tiếp tục cúng ma trên trời, ma trên mặt đất và
ma lang thang, đồ lễ dâng cúng cũng như cúng thần rừng. Lễ cúng dù lớn hay nhỏ
đều diễn ra theo nguyên tắc bất di bất dịch đó là cúng dâng lễ vật (cúng sống)
hai lần rồi mới cúng chín thì mới kết thúc. Sau đó tất
cả mọi người trong bản sẽ cùng với cộng đồng các dân tộc khác sống trong vùng
hòa vào những điệu nhảy múa, các làn điệu dân ca hát đối, hát giao duyên, cùng
chơi các trò chơi như: Đánh đáo, đánh yến, chơi cù,... cuộc vui được kéo dài đến
hết ngày hôm đó. Người Pu Péo cho rằng cuộc vui càng được kéo dài thì năm ấy sẽ
có nhiều niềm vui, may mắn và ấm no, hạnh phúc đến với mọi người. Có thể nói rằng, ngoài ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa,
làng bản yên bình “Lễ ra đồng” còn là sợi dây liên kết tinh thần cộng đồng
trong mối quan hệ dòng họ, làng bản và là dịp để bà con trong bản gặp gỡ, giao
lưu chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, phát triển kinh tế. Sau Lễ ra đồng người dân
trong bản sẽ bước vào một mùa gieo hạt mới với niềm tin, hy vọng cây trồng sẽ
tươi tốt, mùa màng bội thu đời sống của bà con trong bản ngày một phát triển
hơn.
Trong
chương trình nghiên cứu, sưu tầm Di sản văn hóa Phi vật thể, vừa qua “Lễ ra đồng”
đã được Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang phối hợp với UBND huyện Đồng
Văn tổ chức phục dựng tại thôn Chúng Chải, xã Phố Là. Nhằm giữ gìn bản sắc văn
hóa tiêu biểu của dân tộc nói chung, dân tộc Pu Péo nói riêng được bảo tồn,
phát huy và trao truyền cho các thế hệ mai sau thêm trân trọng và tự hào về giá
trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đồng thời, thông qua chương trình đã
góp phần quảng bá, giới thiệu cho du khách trong nước và quốc tế khi đến với
Công Viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn có cơ hội tìm hiểu, khám phá
về một lễ hội giàu bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng người dân tộc Pu
Péo nơi địa đầu Tổ quốc.
Nguyễn Thị Lượng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét