Trong suốt mấy năm trường lãnh đạo để
chống quân xâm lăng của Mông Cổ, quốc vương Champa là Indravarman V qua đời vì
tuổi già, mà nhà thương thuyền Âu
Châu là Marco Polo, nhân dịp ghé thăm Champa vào năm 1288 có nói đến.
Sau ngày từ trần của vua cha, hoàng
tử Harijit, con của hoàng hậu Gaurendraksmi lên ngôi lấy vương hiệu là Jaya Sinhavarman III, mà tài liệu
Trung Quốc gọi là Pou Ti và tài liệu Việt Nam gọi là Chế Mân.
Tháp
Po Sah Ina, Phan Thiết
Từ khi lên nắm chính quyền, Chế Mân
không ngừng đem lại niềm an vui và thịnh vượng cho quốc gia này. Gần 20 năm lãnh đạo quốc gia, ngài đã để lại cho hậu
thế hai công trình kiến trúc đồ sộ đó là tháp Yang Mun (Kom Tum) và tháp Po
Klaong Garai (Phan Rang). Sau thế kỷ thứ 15, vương quốc Panduranga trưng dụng
tháp này để thờ một trong ba vị thần quan trọng nhất ở địa phương, đó là vua
huyền sử Po Klaong Garai.
Hết
đương đầu với quân Mông Cổ của Koubilai, ngài chủ trương tiếp tục bang giao với
đại Việt nhưng không bao giờ qui phục nước láng giềng. Ngài cũng tìm cách liên
kết chính trị với vương quốc Majapahit của Mã Lai bằng cách kết hôn với công
chúa Tapasi của quốc gia này.
Bước
vào thiên niên thế kỷ thứ 14 đánh dấu một khúc quanh mới trong chính sách bang
giao giữa Champa và Đại Việt. Nhân dịp viếng thăm Champa vào năm 1301, thượng
hoàng Trần Nhân Tôn hứa gả công chúa Huyền Trân (tức là em gái của vua Trần Anh
Tôn) cho vua Chế Mân, với điều kiện Champa phải nhường cho Đại Việt hai Châu Ô
và Lý.
Tháng
6 năm Bính Ngọ (1306) là ngày kết hôn giữa vua Chế Mân và công chúa Huyền Trân.
Tháng giêng năm Đinh Mùi (1307), vua Trần Anh Tôn đổi hai châu Ô và Lý thành
châu Thuận và châu Hóa. Tháng 5 năm Đinh Mùi (1307), quốc vương Chế Mân từ trần.
Tháng 10 cùng năm Đinh Mùi (1307), vua Trần Anh Tôn sai Trần Khắc Chung sang
Champa tìm cách đưa công chúa Huyền Trân về nước.
Đây
là cuộc tình hy hữu chưa từng xảy ra trong tiến trình lịch sử ở các nước Đông
Nam Á và cũng là một bi kịch tình sử mà các sử gia, các nhà văn và cả kịch ảnh
Việt Nam không ngừng bàn đến, tùy theo gốc độ quan điểm của mỗi tác giả, như
Bao La Cư Sĩ, G. Coedes, Lê Ước, Lê Trang Kiều, G. Maspero, Đỗ Trọng Huề, Phạm
Văn Sơn, Thái Văn Kiểm, Võ Liêu (xem thư mục), v.v.
Bản đồ minh họa qúa trình mở rộng nước Việt sau khi
thôn tính Chiêm Thành
Dù
dưới gốc độ ngòi bút nào đi nữa, những bài viết về cuộc tình giữa Chế Mân và
Huyền Trân của các chuyên gia Việt Nam chỉ nói lên quan điêm riêng tư của những
tác giả này, thường mang màu sắc chính trị hay bộc lộ lòng ái quốc của một dân
tộc lớn có bốn ngàn năm văn hiến, để rồi quên đi những yếu tố lịch sử quan trọng
nhằm dựa vào đó để phân tích lại một cách nghiêm túc và trung thực, dù sự trung
thực đó có tổn thương đến danh dự người quá cố đi nữa. Vì vậy chúng tôi có quyền
đặt lại những nghi vấn sau đây :
1.
Chế Mân có quyền dâng hiến đất đai cho Đại Việt hay không ?
2.
Huyền Trân có đủ tư cách pháp lý để lên dàn hỏa hay không ?
3.
Tại sao Huyền Trân phải bỏ cung đình chạy trốn ?
4.
Đâu là thể diện của quốc gia Đại Việt.
5.
Đâu là luân lý và đạo đức của công chúa nhà Trần ?
Đó là 5 vấn đề trọng yếu còn chứa đựng bao điều bí ẩn cần được phân tích trong bài khảo luận, mà chúng tôi hy vọng đem lại sự sáng tỏ về biến cố này.
* * *
Cuộc
tình Chế Mân và Huyền Trân không phải là câu truyện hoang đường, mà là một biến
cố lịch sử được ghi lại lần đầu tiên trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư
(ĐVSKTT).
Ai
cũng biết ĐVSKTT là biên niên sử chính thức của vương quốc Đại Việt và cũng là
tài liệu duy nhất đưa ra những dữ kiện rất là chi tiết liên quan đến cuộc tình
Chế Mân và Huyền Trân Công Chúa. Vì là biên niên sử chính thức, thành ra tài liệu
này luôn luôn mang màu sắc văn chương chính trị, viết theo quan điểm của vua
chúa Đại Việt và nhằm tôn vinh vua chúa Đại Việt hơn là nói lên sự thật của một
biến cố đã xảy ra. Đó là qui luật chung của tất cả tư liệu lịch sử cổ ở khu vực
Đông Nam Á. Chính vì thế, chúng tôi cần suy xét và phân tích lại một cách
nghiêm túc từng khía cạnh của vấn đề trước khi đưa ra lời kết luận.
Di sản văn hoá Champa: Yoni và Linga ở thánh địa Mỹ
Sơn (gần Hội An, thuộc quận Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam)
Đây
là phần trích dẫn từ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (tập II, nhà xuất bản Khoa Học Xã
Hội, Hà Nội, 1971) liên quan đến cuộc tình Chế Mân và Huyền Trân :
-
"Tân sửu năm thứ 9 [1301] Nguyên Đại-đức thứ 5(…). Tháng 2, nước
Chiêm-thành sang cống. Tháng 3, thượng hoàng đi chơi các địa phương, sang
Chiêm-thành (…). Mùa đông, tháng 11, thượng hoàng từ Chiêm-thành về (tr. 96).
-
Quý mão năm thứ 11 [1303] (…) Mùa đông, tháng 10, (…) Lấy Đoàn Nhữ Hài làm tham
tri chính sự (…). Trước đây sứ nước ta sang Chiêm-thành đều lạy vua nước Chiêm
trước, rồi sau mới mở chiếu thư. Khi Nhữ Hài đến, bưng ngay chiếu thư để lên
trên án và bảo vua Chiêm rằng: "Từ khi sứ giả đem chiếu thư của thiên tử đến,
xa cách ánh sáng lâu ngày, nay mở chiếu thư ra, hình như trông thấy mặt thiên tử,
tôi phải lạy chiếu thư đã rồi mới tuyên đọc sau ". Rồi lập tức hướng
vào chiếu thư lạy xuống. Lúc ấy vua nước Chiêm đứng ở bên cạnh, lạy thế không
khỏi có chút chưa ổn, nhưng lấy cớ là lạy tờ chiếu thì là thuận lễ, mà sứ thần
cũng không phải khuất, (…). Sau này những người đi sứ Chiêm-thành không lạy vua
nước Chiêm là bắt đầu từ Nhữ Hài (tr. 98).
-
Ất tị năm thứ 13 [1305] (…) Tháng 2, Chiêm-thành sai Chế Bồ-Đài và bộ đảng hơn
trăm người đem vàng bạc, hương quý, vật lạ để dâng làm lễ vật cầu hôn. Các quan
triều đều cho là không nên, duy có Văn-túc vương là Đạo Tái chủ trương là nên
và Trần Khắc Chung tán thành, việc bàn mới quyết (tr. 100).
-
Bính ngọ năm thứ 14 [1306] (…). Mùa hạ tháng 6, gả công chúa Huyền-Trân cho vua
nước Chiêm-Thành. Trước đây, thượng hoàng đi chơi các địa phương sang nước
Chiêm-thành, đã trót hứa gả con gái cho. Các văn sĩ trong triều ngoại nội nhiều
người mượn điển vua nhà Hán đem Chiêu-quân gả cho Hung-nô làm thơ bằng quốc ngữ
để chê cười (tr. 102).
Sử
thần Ngô Sĩ Liên bàn : Ngày xưa Hán Cao Hoàng vì nước Hung-nô thường
quấy phá biên giới, mới lấy con gái của dân làm công chúa gả cho thiền vu, kết
hôn với người không phải giống nòi, các tiên nho đã từng chê (…). Còn như Nhân Tôn
đem con gái gả cho vua nước Chiêm-thành là nghĩa gì ? Nói rằng nhân khi đi
chơi mà chót hứa gả, sợ thất tín, thì sao không làm việc đổ mệnh có được
không ? Vua giữ ngôi trời mà thượng hoàng đã xuất gia rồi, vua đổi mệnh
thì có khó gì, mà lại đem gả cho người xa không phải giống nòicho đúng lời hẹn
ước, rồi lại dùng mưu gian trá cướp lại về sau, thế thì tin ở đâu ?
(tr.102).
-
Đinh mùi năm thứ 15 [1307] Mùa xuân tháng giêng. Đổi hai châu Ô Lý làm châu Thuận
và châu Hóa, sai hành khiển Đoàn Nhữ Hài đến vỗ yên nhân dân. Trước là vua
Chiêm-thành Chế Mân đem đất hai châu ấy làm lễ vật dẫn cưới, người các thôn
La-thủy, Tác-hồng, Đà-bồng không chịu theo, vua sai Nhữ Hài đến tuyên dụ đức ý
của triều đình, chọn người trong bọn chúng bổ cho làm quan, lại cấp cho ruộng đất,
tha tô thuế cho 3 năm để vỗ về (tr.103).
-
Mùa hạ, tháng 5. Vua Chiêm-Thành là Chế Mân chết (tr.103).
-
Mùa thu, tháng 9. Con vua Chiêm-Thành là Chế Đa-Da sai sứ thần Bảo Lộc-Kê dâng
voi trắng (tr.103).
-
Mùa đông, tháng 10, sai nhập nội hành khiển thượng thư tả bộc xạ Trần Khắc
Chung và an phủ Đặng Văn sang Chiêm-Thành đón công chúa Huyền-trân và thế tử
Đa-Da về. Tục nước Chiêm-Thành, hễ vua chết thì hoàng hậu phải vào dàn thiêu chết
theo. Vua biết thế, sợ công chúa bị hại, sai bọn Khắc Chung sang, mượn cớ làm lễ
viếng và nói rằng: "Nếu công chúa hỏa táng thì việc làm chay không có
người chủ trương, chi bằng hãy ra bờ biển làm lễ chiêu hồn ở ven trời, đón linh
hồn cùng về, rồi sẽ vào dàn thiêu. Người Chiêm nghe theo" (tr.103).
Khắc Chung dùng thuyền nhẹ cướp lấy công
chúa đem về, rồi tư thông với công chúa, loanh quanh mãi ở đường biển, lâu ngày
mới về đến Kinh sư. Hưng Nhượng Đại Vương ghét lắm, mỗi khi trông thấy Khắc
Chung thì mắng rằng: "Người ấy đối với nước ta là bất tường, họ tên
là Trần Khắc Chung thì nhà Trần có lẽ hết vì người này chăng" Khắc Chung
thường sợ phải lẩn tránh (tr.104).
Sử
thần Ngô sĩ Liên bàn : Trẩn Khắc Chung là người gian tà biết chừng
nào ? Không những là làm việc chó lợn này, đến sau lại vào tụi với Văn-Hiến
Hầu vu hãm quốc phu thượng tể vào tội phản nghịch, làm chết oan hơn trăm người
mà nó được hưởng phú quý trọn đời (…) (tr.104).
-
Mậu thân, năm thứ 16 [1308] (…) Mùa thu, tháng 8, công chúa Huyền Trân. Thượng
hoàng sai trại chủ Hóa Châu cho thuyền đưa 300 người Chiêm về nước
(tr.104) ».
Phải
công nhận rằng, ĐVSKTT kể lại cốt truyện hôn nhân giữa Chế Mân và Huyền Trân rất
là chi tiết vá hấp dẫn đối với độc giả bình dân. Tiếc rằng những chi tiết này,
nếu nhìn trên khía cạnh lịch sử, còn mang một số điều vừa bí ẩn vừa mâu thuẫn
mà chúng tôi xin đưa ra để bình luận.
Tháp
Po Nagar, Nha Trang
1. Chế Mân có quyền dâng hiến đất đai cho
Đại Việt hay không
Theo
ĐVSKTT, sau khi nhận lời hứa của thượng hoàng Trần Nhân Tôn, vua Chế Mân sai Chế
Bồ Đài và hơn trăm người đem vàng bạc, hương quý, vật lạ để dâng làm lễ vật cầu
hôn vào tháng 2 năm Ất Tị (1305). Tháng 6 năm Bính Ngọ (1306), Huyền Trân về
Champa chung sống với Chế Mân. Chỉ trong vòng 6 tháng sau, tức là tháng giêng
năm Đinh Mùi (1307), vua Trần Anh Tôn tiếp thu hai châu Ô và Lý mà vua Chế Mân
đã dâng hiến cho Đại Việt để làm quà cưới công chúa Huyền Trân.
Đứng
trên phương diện lịch sử mà phân tích, việc vua Chế Mân dâng hiến đất đai
Champa cho nước láng giềng, dù sự dâng hiến này để chuộc sứ mạng vì bị bắt làm
tù binh chưa nói đến là dâng hiến đất đai để trao đổi lấy một đàn bà có sắc đẹp,
hoàn toàn ngược lại với qui chế chính trị của vương quốc Champa thời đó.
Ai
cũng biết, Champa là quốc gia theo chế độ mẫu hệ, tức là một hệ thống tổ chức
xã hội trong đó mọi tài sản (dù đất đai hay châu báu) và con cái trong gia đình
là thuộc quyền sở hữu của người đàn bà. Người đàn ông dù họ là chồng, vua chúa
hay quan lại, không có quyền chiếm đoạt, chuyển nhượng, mua bán hay đổi chác
tài sản và con cái này.
Champa
là một quốc gia theo chế độ "mẫu hệ" chứ không phải chế độ "mẫu
quyền". Thành vậy mọi quyền lực chính trị và xã hội đều nằm trong tay của
người chồng. Đàn ông là người làm chủ gia đình và lãnh đạo quốc gia, nhưng mọi
ngôi báu, vương miện và quyền nối ngôi thuộc về gia đình mẫu hệ. Hoàn toàn khác
hẳn với thể chế chính trị của nền văn minh Đại Việt, chủ nhân của ngôi báu và đất
đai ở Champa là bà hoàng hậu. Vua lên ngôi nhân danh bà hoàng hậu và phải phục
vụ để duy trì ngôi báu của dòng tộc hoàng hậu này. Chính vì thế, tất cả những
ai có liên hệ trực tiếp hay gián tiếp (như chú rể) với thân tộc của bà hoàng hậu
đều có quyền lên ngôi nếu hội đồng gia đình hoàng gia mẫu hệ chấp thuận.
Theo
qui ước chế độ mẫu hệ ở Champa, vua là người lãnh tụ tối cao của một quốc gia,
nắm toàn quyền chính trị, quân sự và pháp lý. Vua có quyền lấy bao nhiêu người
vợ cũng được nếu bà hoàng hậu chấp thuận, nhưng ông vua không có quyền chuyển
nhượng hay đổi chác bất cứ những gì thuộc di sản thuộc về hoàng gia của bà vợ
mình, dù đó chỉ là áo quần, chứ đừng nói đến vàng bạc, đất đai và con cái. Thế
thì Chế Mân đã dựa vào qui ước nào của vương quốc Champa này để rồi tự tiện
dâng hiến đất đai châu Ô và Lý cho Đại Việt để được cưới công chúa Huyền
Trân ?
Không
ai phủ nhận là ĐVSKTT đã xác nhận sự chuyển nhượng đất đai này. Nhưng ĐVSKTT
quên rằng Chế Mân là một nhà vua cai trị một quốc gia theo chế độ mẫu hệ. Thành
vậy, mọi sự dâng hiến đất đai cho Đại Việt hoàn toàn đi ngược lại với thể chế
pháp lý của Champa thời đó.
2. Huyền Trân có đủ tư cách pháp lý để lên
dàn hỏa hay không
Chưa
đầy một năm sau ngày kết hôn, vua Chế Mân chết vào tháng giêng năm Đinh Mùi
(1307). Nghe tin này vua Đại Việt sai Trần Khắc Chung sang Champa lập mưu kế để
đưa Huyền Trân về nước. Để giải thích cho vấn đề này, vua Đại Việt cho rằng
theo tục lệ nước Champa, "hễ vua chết thì hoàng hậu phải vào dàn thiêu chết
theo".
Theo
truyền thống Champa, một khi vua từ trần thì bà hoàng hậu thường xin lên dàn hỏa
chết chung với chồng, chứ không bị bắt buộc phải lên dàn hỏa với chồng như một
số người hiểu lầm. Tục lên dàn hỏa là một vinh dự lớn lao chỉ dành riêng cho bà
hoàng hậu nhằm bày tỏ lòng thủy chung của mình đối với chồng, với điều kiện là
phải được hội đồng hoàng gia chấp thuận. Chính vì thế, trong suốt 18 thế kỷ của
sự tiến trình lịch sử ở Champa, người ta đã ghi nhận chỉ có vài bà hoàng hậu mà
thôi đã nhận được ân huệ của hội đồng hoàng gia để lên dàn hỏa chết theo chồng.
Huyền
Trân công chúa chỉ là một nằm trong danh sách hàng thứ phi của Chế Mân. giả sử
Huyền Trân công chúa có van xin thật sự đi nữa để lên dàn hỏa cùng chết với Chế
Mân, thì hội đồng hoàng gia Champa, tức là cơ quan tập trung các nhân vật cùng
dòng tộc với bà hoàng hậu chính thức, không bao giờ chấp nhận, vì tục lên dàn hỏa
thiêu có những qui luật sau đây :
a).
Chỉ dành riêng cho bà hoàng hậu chính thức.
b).
Phải có dòng máu Champa. Bà Tapasi là hoàng hậu gốc người Java, dù đã giữ một
vai trò vô cùng quan trọng trong hoàng cung Champa thời đó mà bia kí thường nói
đến, vẫn không nhận được ân huệ lên dàn hỏa với Chế Mân.
Vì
không phải là hoàng hậu chính thức và không có dòng máu Champa, Huyền Trân
không bao giờ nhận được ân huệ để cùng chết với Chế Mân được. Thế thì chúng tôi
không biết vua chúa Đại Việt thời đó dựa vào cơ sở nào để rồi kết luận rằng Huyền
Trân bị buộc lên dàn hỏa sau ngày từ trần của Chế Mân.
3. Tại sao Huyền Trân phải bỏ cung đình chạy
trốn
Đứng
trên phương diện pháp lý, mọi nhân vật dù là vua chúa hay dân thường tìm cách
thoát thân chạy trốn trước một biến cố có liên hệ đến xác người chết, đều bị cơ
quan pháp lý nghi ngờ là kẻ "phạm pháp".
Vào
tháng 5 năm Đinh Mùi (1307), vua Chế Mân từ trần. Trước cái chết của Chế Mân,
đúng ra Huyền Trân phải buồn rầu than khóc để tiễn đưa cho số phận hẩm hiu của
người chồng quá cố, dù rằng hai người chỉ mới chung sống với nhau vừa tròn một
năm. Đó là quy luật tự nhiên của đôi vợ chồng. Tiếc rằng Huyền Trân không than
khóc mà lại tìm đường chạy trốn về Thăng Long. Chúng tôi không nói là Huyền
Trân ám hại Chế Mân, nhưng chỉ đặt vấn đề ở đây có chăng Huyền Trân đã làm một
việc phạm pháp nào đó có liên hệ đến cái chết của Chế Mân thành ra mới tìm cách
chạy trốn. Chính đây mới là chìa khoá quan trọng trong vụ tình sử vô cùng bí ẩn
của Chế Mân và Huyền Trân.
Theo
ĐVSKTT (tr. 103), nếu Huyền Trân tìm cách thoát thân chạy trốn là vì :
"Tục
nước Chiêm Thành, hễ vua chết thì hoàng hậu phải vào dàn thiêu chết theo. Vua
biết thế, sợ công chúa bị hại, sai bọn Khắc Chung sang, mượn cớ làm lễ viếng và
nói rằng: Nếu công chúa hỏa táng thì việc làm chay không có người chủ trương,
chi bằng hãy ra bờ biển làm lễ chiêu hồn ở ven trời, đón linh hồn về, rồi sẽ
vào dàn thiêu. Người Chiêm nghe theo ".
Đây
là lý luận hoàn toàn phi khoa học. Chế Mân từ trần vào tháng 5 năm Đinh Mùi
(1307). Theo phong tục của Champa, lễ hỏa táng Chế Mân phải tiến hành vào ngày
tốt nhất trong vòng một tháng sau cái chết. Trần Khắc Chung đến Champa vào
tháng 10 năm Đinh Mùi (1307) có nghĩa là lễ hỏa táng đã xong rồi trước khi phái
đoàn từ Đại Việt đến tiếp cứu. Thì đâu còn đám tang nữa mà vua chúa Đại Việt
bày mưu sai Trần Khắc Chung tìm cách đưa Huyền Trân chạy trốn.
Cũng
theo ĐVSKTT, vụ thoát thân chạy trốn của Huyền Trân không phải là quyết định
riêng tư của công chúa này mà là mệnh lệnh của vua chúa Đại Việt. Ngay cả sử
gia Ngô Sĩ Liên, tác giả của ĐVSKTT (tr. 102), cũng công nhận dữ kiện này.
Đứng
trên phương diện chính trị mà phân tích, sự bày mưu của vua chúa Đại Việt để
đưa Huyền Trân về nước bằng con đường thoát thân chạy trốn sau ngày từ trần của
Chế Mân hoàn toàn đi ngược lại với qui luật ngoại giao thời đó. Sự kết hôn giữa
Chế Mân và Huyền Trân là một hiệp ước chính thức được ký giữa hai quốc gia
Champa và Đại Việt. Nếu Chế Mân từ trần thì vương quốc Champa phải có nghĩa vụ
làm lễ, cho người tháp tùng đưa Huyền Trân về nước. Bà Tapasi, hoàng hậu gốc người
Jawa cũng trở về nước sau ngày Chế Mân từ trần. Thế thì tại sao Đại Việt quá vội
vã tìm cách "dùng mưu gian trá" cướp Huyền Trân về Thăng Long. Hành động
này của vua chúa Đại Việt đã đưa chúng tôi đặt lại một nghi vấn ngắn gọn sau
đây :
"Có
chăng vua chúa Đại Việt không sợ Huyền Trân lên dàn hỏa mà chết, vì hội đồng
hoàng gia không ai yêu cầu công chúa này lên dàn hỏa, mà chỉ sợ triều đình
Champa đưa Huyền Trân ra pháp lý để xét sử về tội dùng mưu trá mà Đại Việt đã xếp
đặt để ám hại Chế Mân ?".
Ngô
Sĩ Liên, một quan lại trong triều đình Đại Việt thời đó cũng đồng quan điểm với
chúng tôi. Tác giả đặt lại nghi vấn có chăng Huyền Trân đã nhận mệnh của vua
cha để làm việc phi pháp gì đó ở Champa, thành vậy vua Trần Anh Tôn phải "dùng
mưu gian trá cướp" công chúa đưa về Thăng Long (ĐVSKTT ? tr. 104).
Ai
cũng biết, chính sách mỹ nhân chế dùng đàn bà Việt để phục vụ cho ý đồ chính trị
của Việt Nam cũng thường xảy ra nhiều lần trong lịch sử. Điển hình nhất là
trong thế kỷ thứ 17, vua Lê Thần Tôn cũng gả một công chúa Việt cho vua Lào là
Suliya Vongsa, cũng như chúa Sãi Vương đã gả công chúa Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp
là Chey Chetta II và công chúa Ngọc Khoa (con của Chúa Sãi Vương) cho vua
Champa là Po Romé (1627-1651).
Ngọc
Khoa có tên là Bia Ut trong tư liệu viết bằng tiếng Chăm, có nghĩa là "hoàng
hậu miền Bắc" (Ut có nghĩa là phía Bắc). Sau ngày kết hôn với Po Romé, bà
ta đã tiếp tay với vua cha ở Phú Xuân hầu cung cấp tin tức liên quan đến chiến
lược quân sự của chồng mình. Nhờ tin này, Chúa Nguyễn xua quân chinh phạt
Champa bắt được vua Po Romé và nhốt trong rọ sắt. Vì quá hổ thẹn, Po Romé chấm
dứt cuộc đời của mình bằng cách tự tử mà một người truyền giáo tây phương
Jésuite Joseph Tissanier đã kể lại. Sau ngày chết của Po Romé, hoàng cung
Champa đưa Bia Ut (Ngọc Khoa) ra pháp lý và kết tội tử hình vì tội phản bội tổ
quốc bằng cách đạp đầu bà ta vào bùn lầy cho đến khi tắt thở. Sau đó, cung đình
Champa ra lệnh tạc tượng bà ta với tư thế đầu chúi xuống đất để hậu thế không
quên vụ án này. Theo Nghiêm Thẩm, tượng Bia Ut vẫn còn vào năm 1960 tọa lạc ở
cánh đồng Hamu Biuh (Phang Rang) cách đền Po Romé vào khoảng 8 cây số.
Bia
Ut, tức Ngọc Khoa, con của Chúa Sãi Vương bị hoàng cung Champa lên án tử hình
vì tội làm gián điệp. Có chăng Huyền Trân cũng mang thân phận như công chúa Ngọc
Khoa, tức là bị Champa lên án vì đã nhận sứ mệnh của triều đình Đại Việt nhằm
ám hại Chế Mân để rồi vua Trần Anh Tôn phải tìm mưu kế đưa Huyền Trân về Thăng
Long. Đây chỉ là giả thuyết của chúng tôi mà thôi. Nhưng giả thuyết này rất gần
gủi với quan điểm của nhà sử gia Ngô Sĩ Liên (tác giả ĐVSKTT), tức là không chấp
nhận hành động gian trá của vua chúa Đại Việt trong vụ hôn nhân giữa Chế Mân và
Huyền Trân.
Ngô
Sĩ Liên là một quan lại quan trọng trong cung đình của Đại Việt. Mặc dù ông ta
không nói ra một cách công khai là vua chúa Đại Việt ra lệnh cho Huyền Trân ám
hại Chế Mân, nhưng nội dung của một đoạn ông viết: "dùng mưu gian trá
cướp về sau, thế thì tin ở đâu ? " đã cho chúng tôi một minh chứng
rõ rệt thế nào là ý đồ của vua chúa Đại Việt liên quan đến cái chết của Chế Mân
và cuộc chạy trốn của Huyền Trân.
Những
dữ kiện đã nêu ra, cho phép chúng tôi đề ra một nghi vấn: Huyền Trân chạy trốn
không phải vì sợ lên dàn hỏa với Chế Mân mà sợ bị cung đình Champa kết án về tội
liên lụy đến cái chết của vua Chế Mân vào năm 1307. Nhưng đây chỉ một giả thuyết
mà thôi.
4. Đâu là thể diện của một quốc gia Đại Việt
Là
hai quốc gia láng giềng có hai nền văn hóa và văn minh khác nhau, Champa và Đại
Việt không tránh khỏi những xung đột quân sự đẫm máu mà người thắng trận thường
giữ quyền ưu thế chiếm đóng đất đai của người thua trận. Trận chiến vẻ vang của
vua Lý Thánh Tôn chống lại vua Rudravarman III vào năm 1069 đã cho phép Đại Việt
đã cho phép Đại Việt xâm chiếm lãnh thổ Champa ở khu vực Địa Lý, Ma Linh và Bố
Chính (Quảng Bình-Quảng Trị).
Sự
thất thủ của Champa vào năm 1069 là tiếng chuông báo hiệu cho chính sách Nam Tiến
của Đại Việt. Kể từ đó, Champa và Đại Việt chỉ biết dùng chiến tranh trong suốt
237 năm để giải quyết sự tranh chấp giữa hai quốc gia, nhưng không ai đạt được
phần thắng lợi.
Một
khi giải pháp quân sự không còn hiệu nghiệm để chinh phạt Champa nữa, vua chúa
Đại Việt lại nghĩ đến mưu đồ đê tiện hơn, đó là dùng mỹ nhân kế để phục vụ cho
ý đồ chính trị. Vì quyền lợi chung của dân tộc, vua chúa Đại Việt không cần
nghĩ đến thế nào là danh dự của một quốc gia, dù là quốc gia hùng mạnh gấp bội
so với so với lực lượng quân sự Champa thời đó. Năm 1306, vua Trần Nhân Tôn tìm
cách dâng hiến con gái của mình là Huyền Trân cho vua Chế Mân, một quốc vương
nước ngoài mà tuổi đã già, để đổi lấy hai châu Ô và Lý. Ngô Sĩ Liên, tác giả của
ĐVSKTT là người đầu tiên đã lên án nhà Trần. Vì lòng tham lam một mảnh đất ở
châu Ô và Lý, vua Trần Nhân Tôn không còn biết đâu là thể diện của vương quốc Đại
Việt để rồi bán đứng trinh tiết con gái của mình cho một người không cùng giống
nòi. Ngô Sĩ Liên lý luận rằng, nếu: "Ngày xưa Hán Cao Hoàng vì nước
Hung Nô thường quấy phá biên giới, mới lấy con gái của dân làm công chúa để kết
hôn với người không phải giống nòi, các tiên nho đã từng chê" (ĐVSKTT, tr.
102).
Thêm
vào đó, Ngô Sĩ Liên còn bày tỏ lòng phẫn nộ của mình trước mưu đồ quá đê hèn mà
cấp lãnh đạo Đại Việt đã áp dụng để phục vụ cho ý đồ chính trị của mình, chẳng
những không biết đến danh dự quốc gia, nhà Trần còn ra lệnh cho con mình ám hại
người khác, tức là Chế Mân để rồi "dùng mưu gian trá" cướp con của
mình đưa về Thăng Long. Đây là lời trăn trối của Ngô Sĩ Liên : "Nói rằng
nhân khi đi chơi mà chót hứa gả, sợ thất tín, thì sao không làm việc đổi mệnh
có được không ? Vua giữ ngôi trời mà Thượng Hoàng đã xuất giá rồi, vua đổi
mệnh thì có khó gì, mà lại đem gả [Huyền Trân] cho người xa không phải giống
nòi cho đúng lời hẹn trước, rồi lại dùng mưu gian trá cướp lại về sau, thế thì
tin ở đâu ? " (ĐVSKTT, tr. 102).
Ngô
Sĩ Liên là một quan lại quan trọng trong triều đình mà không "tin"
nhà Trần, thế thì ai là người còn tin vào chủ trương bang giao với nước láng giềng
của Đại Việt nữa.
Đối
với Đại Việt, thể diện quốc gia không phải là một vấn đề thực tiễn mà là mục
tiêu chính trị. Chính vì thế, nhà Nguyễn vẫn tiếp tục đeo đuổi chính sách này bằng
cách dâng hiến công chúa Ngọc Khoa cho vua Po Romé (1627-1651) để thực hiện ý đồ
đánh bại cho bằng được quốc vương Champa vào giữa thế kỷ thứ 16.
5. Đâu là luân lý và đạo đức của công chúa
nhà Trần
Theo
ĐVSKTT, tháng 5 năm Đinh Mùi (1307), vua Chiêm Thành là Chế Mân chết. Tháng 10
cùng năm, vua Trần Anh Tôn sai Trần Khắc Chung
sang Chiêm Thành đón công chúa Huyền Trân và thế tử là Chế Đa Da về. Hơn
một năm trôi dạt ở giữa đại dương, tháng 8 năm Mậu Thân (1308), công chúa Huyền
Trân về đến Thăng Long. Lợi dụng cơ hội trên đường về, Trần Khắc Chung "tư
thông với công chúa [Huyền Trân], loanh quanh mãi ở đường biển, lâu ngày mới về
đến Kinh sư" (ĐVSKTT, tr. 103). Nghe tin này, vua Trần Anh Tôn vô cùng phẫn
nộ và mỗi khi trông thấy Trần Khắc Chung thì mắng rằng: "Người ấy đối
với nước là bất tường, họ tên là Trần Khắc Chung thì nhà Trần có lẽ hết vì người này chăng ? " (ĐVSKTT, tr. 104). Nếu thật sự Huyền Trân
chấp nhận cho Trần Khắc Chung khám phá tiết trinh của mình trong suốt 11 tháng
lênh đênh ở ngoài biển khơi, thì người ta phải đặt lại vấn đề đâu là đạo đức và
thể diện của công chúa Đại Việt thời đó.
Ai
cũng biết, trong triều đại của nhà Trần luôn luôn đề cao tôn ti trật tự trong
gia đình, đạo đức của người đàn bà Việt Nam. Sự dâng hiến tiết trinh của một
công chúa cho quan lại trong triều đình là Trần Khắc Chung hoàn toàn đi ngược lại
với qui ước đạo đức của người đàn bà Việt do nhà Trần chủ trương. Nếu cho rằng
đây chỉ là do sự cưỡng ép của Trần Khắc Chung đi nữa, chúng tôi cho rằng vấn đề
này không thể xảy ra được nếu Huyền Trân từ chối. Xưa kia, công chúa Champa là
Mỵ E, vợ vua Sạ Đẩu (Jaya Sinhavarman II) bị bắt làm tù binh vào năm 1044. Trên
đường dẫn độ về Thăng Long, tướng Phật Mã dùng quyền lực để uy hiếp dâm bà ta.
Vì danh dự của một công chúa Champa, bà ta phải nhảy xuống sông tự tử để giữ trọn
tiết trinh với người chồng.
Chế
Mân vừa chết chưa đầy 6 tháng. Nhân danh công chúa của một vương quốc Đại Việt
có bốn ngàn năm văn hiến, vừa là hoàng hậu của Champa dù chỉ mới một năm, nếu
Huyền Trân không thực tâm để tang cho chồng như đàn bà Chăm trong cung đình đã
từng thủ tiết, bằng cách không phấn son và không gội đầu trong suốt một năm trường,
thì ít ra Huyền Trân cũng phải làm thế nào để giữ danh dự và thể diện một công
chúa Việt Nam.
* * *
Thời
gian đã trôi qua, nhưng cuộc tình Chế Mân và Huyền Trân Công Chúa vẫn để lại
cho hậu thế nhiều câu hỏi lớn. Bài khảo luận của chúng tôi không ngoài mục đích
là đem lại một số dữ kiện để làm sáng tỏ lại một số vấn đề bí ẩn nằm trong
chính sách bang giao giữa hai quốc gia láng giềng Champa và Đại Việt vào đầu thế
kỷ thứ 14.
Dominique Nguyễn
Thánh
địa Mỹ Sơn, Quảng Nam
Mỹ Sơn, Quảng Nam
"Lầu các đâu? nay thấy chăng rừng
xanh xanh một màu" Mỹ Sơn, Quảng Nam
Quần thể Tháp "Bánh Ít" Bình Định,
góc máy chụp từ sân trước Tu Viện Nguyên Thiều.
Cận cảnh Tháp "Bánh Ít" Bình Định
Tháp
Nhạn, Phú Yên
Tài liệu tham khảo
Bao La Cư Sĩ,
"Huyền
Trân về Chiêm Quốc." Văn hóa nguyệt san, số 43, tháng 8-1958, trang
913-919.
Coedes
G.,
Les Etats hindouisés et
d’Indonésie. De Boccard, Paris, 1964.
Lê Ước,
"Chế Mân và Huyền Trân công
chúa." Phổ Thông tạp chí, số 199, tháng
9-1967, trang 99-104. Lê Trang Kiều,
"Huyền Trân công chúa và châu Ô
châu Lý cùng câu chuyện gốc tích thành lồi ở Huế. " Phổ
Thông tạp chí, số 167, 3-1966, số 16, 3-1966.
Maspero
G.,
Le Royaume de Champa. Van Oest, Paris, 1928.
Đỗ Trọng Huề,
"Vua
Trần Nhân Tông. " Hương Trà, 1968, trang
155-156.
Phạm Văn Sơn,
"Vì
sao công chúa Huyền Trân qua Hời. " Phổ Thông tạp chí, số 230
tháng 9-1969, trang 23-28.
Thái Văn Kiểm, - "Công chúa Huyền
Trân và cuộc hôn nhân với Sri Simhavarman III để đổi lấyhai châu Ô và Lý về cho
Đại Việt. " (vùng Quảng
Trị-Thừa Thiên ngày nay). Đất Việt Trời Nam, 1960, trang 399-403.
-
"Huyền Trân Công Chúa và ảnh hưởng Chàm trong các điệu ca Huế." Tạp
chí Tinh Hoa, số 02-1950, trang 44-49.
-
"Huyền Trân Công Chúa. " Những Nét Đan Thanh, 1957, trang
93-102.
- "Huyền Trân về Chiêm Quốc. "
Văn hóa nguyệt san, số 34, tháng 8-1959, trang 913-919. Võ Liêu, "Châu
Ô và sông Ô Lâu." Phổ Thông tạp chí, số 35, tháng 4-1959, trang
45-50 ; số 36, tháng 4-1959, trang 36-39 ; số 37, tháng 5-1959, trang
53-58.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét