Cây đàn tính tẩu của người Thái (Lan Phương)


Kho tàng âm nhạc dân gian của dân tộc Thái vùng Tây Bắc rất phong phú và đa dạng. Bất cứ nơi đâu trong bản làng của người Thái đều có thể thấy có các làn điệu dân ca thể hiện rõ phong cách riêng của mỗi vùng mà nguyên nhân do sự truyền lại cho các thế hệ theo cách cảm thụ và rung động riêng của mỗi nghệ nhân. Trong đó không thể thiếu tiếng cây đàn tính tẩu.


"Tính" tiếng Thái nghĩa là đàn, còn "Tẩu" nghĩa là quả bàu, Tính tẩu nghĩa la đàn bàu. Trong cộng đồng người Thái có lưu truyền một huyền thoại về cây tính tảu: Chắc nhiều người biết về sự tích quả bàu trong huyền thoại về sự sinh ra các dân tộc trên trần gian.

Sau một trận hồng thủy trần gian chẳng còn ai nên Nhà Trời đưa xuống một quả bàu có giống người và dùi một lỗ thủng bằng chiếc dùi nung đỏ cho giống người chui ra. Lỗ thủng ấy có vết đen người Xá chui ra trước nên đen nhẻm cho đến bây giờ, người Kinh chui ra sau nên đỡ đen hơn... và mọi giống người đều từ quả bàu (có hình cái nậm rượu) mà ra cả. Sau khi từng giống người chui ra khỏi quả bàu và trở thành các dân tộc, còn lại vỏ quả bàu ấy nằm một mình trên tận nơi thượng nguồn chẳng còn ai nhớ gì đến nữa. Nơi thượng nguồn có nguồn nước trong và mát nên các tiên nữ thường xuống lấy nước về trời.

Trong bản Thái nọ có một chàng trai ngày ngày đi câu cá ngược theo suối nhưng mãi chẳng được con cá nào. Đến nơi cảnh đẹp thượng nguồn, chàng trai nghe tiếng các thiếu nữ đang cười đùa vui vẻ. Chàng bèn tìm chỗ ẩn nấp theo dõi. Nhờ vậy mà chàng phát hiện thấy các tiên nữ đi lấy nước đang nô đùa xung quanh vỏ quả bầu. Thấy các tiên nữ làm sợi dây mảnh nối từ quả bàu ngang qua miễng lỗ dùi khi có gió thổi làm cho sợi dây rung lên những âm thanh êm ái mà chàng trai không thể bỏ đi được. Nghe nhiều ngày chàng trai càng mê không dứt ra được. Trời tối các tiên nữ rủ nhau bay về trời để lại chàng trai một mình nơi tiên cảnh. Chàng trai không chịu ngồi yên, chàng muốn nghe âm thanh từ quả bàu kia. Và thế là, chàng bắt chước chặt cành cây cắm xuống đất, lấy sợi dây rừng xe thành sợi mảnh cũng nối từ cành cây cắm cọc xuống đất kéo qua miệng lỗ dùi ở quả bàu và nằm chờ gió thổi. Nhưng chờ mãi chẳng được, chàng trai dùng tay bật thử sợi dây và thấy phát ra âm thanh. Âm thanh làm chàng trai say mê nghe hết ngày này sang ngày khác quên cả mọi việc đến nỗi chàng không nhận ra rằng cành cây chàng cắm xuống đất đã mọc rễ và trở thành một cây thực thụ. Lúc này chàng trai muốn về bản báo tin vui cho dân làng. Chàng cầm quả bàu đi theo nhưng thấy vướng quá chàng đã dùng dao cắt bỏ phần ngọn của quả bàu quăng xuống suối. Còn lại phần phình to chàng giữ lại và chặt theo cành cây mang về làm cần đàn, lấy vỏ cây làm sợi dây buộc qua miệng quả bàu vừa bị chặt phần ngọn vừa đi vừa gảy vừa hát. Tuy nhiên âm thanh ấy không còn hay như trước nữa. Vì chàng không biết rằng phần linh thiêng của quả bàu đã bị chàng vứt xuống suối trôi về xuôi người Kinh vớt được và làm ra cây đàn bầu của người Kinh. Vì thế mà cây đàn bàu của người Kinh ngày nay hay hơn cây đàn bàu của người Thái.

Đấy là chuyện cổ tích. Tuy âm thanh của cây tính tẩu không bằng cây đàn bầu của người Kinh như ngày nay chúng ta thấy. Nhưng sự tồn tại của cây tính tẩu trong đời sống tunh thần của người Thái có ý nghĩa quan trọng mọi lúc mọi nơi.

Ở vùng Tây Bắc, người có công khởi đầu cho việc đưa nghệ thuật sử dụng cây tính tẩu trong múa Thái là cố nghệ sĩ ưu tú Điêu Chính Ngâu(1). Đây là bước ngoặt quan trọng của cây đàn tính tẩu. Ngày nay nhiều người Thái có thể sử dụng cây đàn này trong sinh họat đời thường và có nhiều nghệ nhân đã mạnh dạn sử dụng nó trong các sinh họat văn nghệ cộng đồng nhưng chỉ ở mức phụ họa. Chuyển thành nghệ thuật biểu diễn độc tấu các làn điệu dân ca của dân tộc Thái thì chỉ có một người làm được mà chính con người ấy cũng ít chú ý đến điều này đó là Hoàng Thím(2).
Đến nay rất tiếc là chưa có công trình nghiên cứu nào tập trung cho loại nhạc cụ này ngoài sự cố gắng của ông Tạ Thâm,nhưng kết quả còn nhiều ẩn số. Tác giả ước rằng: giá mà có được những tài liệu nghiên cứu đầy đủ tiến tới có được những trang giáo trình trong nhạc viện quốc gia về cây Tính tẩu thì tốt biết bao.

L.P
(132/02-2000)

1). Điêu Chính Ngâu: Được phong NSUT sau khi ông đã mất. Có một người đã dành tình cảm cho ông qua bài giới thiệu công lao phát hiện tìm tòi sử dụng cây tính tau trong múa Thái là tác giả Đinh Văn Phùng - một học trò của ông.

2). Hoàng Thím: Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội viêin Hội Văn nghệ Lai Châu, người đầu tiên được tặng huy chương vàng tiết mục độc tấu tính tẩu tại hội diễn nghệ thuật miền Bắc năm 1960. Hiện nay ông là người duy nhất có khả năng sử dụng cây tính tẩu độc tấu hàng chục làn điệu dân ca Thái.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét